CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG: LÀM GIÀU ĐƯỢC KHÔNG?

Gần như mặc định, khi nhắc tới những công việc liên quan đến môi trường, nhiều người nghĩ ngay đến sự nặng nhọc, vất vả, lấm lem, thậm chí là hôi thối, mà đồng lương lại còi cọc. Liệu đó có phải hình mẫu chung cho những ngành nghề liên quan đến môi trường?

Ngành Công nghệ Môi trường đã hình thành và phát triển trên thế giới từ cách đây hơn bốn thập niên, tập trung chủ yếu tại các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đây là ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ chính việc giải quyết các vấn đề môi trường, không còn mang tính công ích thuần túy mà ngày càng thể hiện rõ tính sinh lợi trong các hoạt động của nó, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm Công nghệ Môi trường vẫn còn rất mới, các doanh nghiệp môi trường chỉ được biết đến như những đơn vị cung ứng dịch vụ tư vấn, xử lý chất thải nhỏ lẻ. Mặt khác, chúng ta mới được tiếp cận từ quy trình “xử lý cuối đường ống” – nghĩa là đặt vào sự “ô nhiễm đã rồi”, chứ chưa chú trọng về sự ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, xem chất thải như nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng cho việc tạo ra các giá trị mới.

Tiềm năng phát triển

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, những lớp thanh niên đi trước tập trung vào việc phát triển kinh tế, kỹ thuật và công nghiệp nên hiện tại chúng ta có sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ sư ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường. Những nhân tố có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và làm việc tại các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước hoặc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trung ương và địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp sản xuất lại càng khan hiếm.

Làm giàu không khó

Tất cả các ngành nghề đều có người làm giàu được và có người không kiếm sống được. Ngành Công nghệ Môi trường không thuộc lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, cũng chẳng phải ngành để làm giàu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiếm ra tiền bằng việc kiến tạo, tìm ra những giải pháp mới và tối ưu cho quá trình xử lý môi trường. – Đó là lời khẳng định của PGS-TS Nguyễn Xuân Cự, giảng viên Khoa Môi trường – ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Không phải là điều gì đó quá xa vời, hoàn toàn là việc trong tầm tay của bạn. Như ý tưởng tái sử dụng bột bã thải dầu kim loại nặng để sản xuất men màu trong gốm sứ của ba cô gái Hoa, Bình, Xuân đến từ K47 Công nghệ Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Từ việc nhìn ngắm những chiếc lọ gốm đủ màu sắc trong chuyến đi đến Bát Tràng và dựa trên những tài liệu của nước ngoài do cô giáo cung cấp, bọn mình tiến hành nghiên cứu cách xử lý bột bã thải kim loại nặng thành men màu. Sau khi xử lý, một cân bột men màu thu được có thể hạ giá thành xuống còn 5.000-7.000 đồng/kg so với giá thị trường 15.000-trên 20.000 đồng/kg. Quan trọng hơn là có thể xử lý và tận dụng nguồn bột bã thải độc hại một cách an toàn thay vì đóng rắn và chôn lấp như trước đây” – cả ba chia sẻ.

Kết quả của việc quay cuồng giữa phòng thí nghiệm – nhà máy – làng gốm Bát Tràng là giải thưởng 10.000 USD, đủ cho Hoa, Bình và Xuân tiếp tục mở rộng nghiên cứu sang việc ứng dụng ở quy mô lớn.

Ý nghĩa thiết thực

Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ môi trường còn đem lại những đóng góp thiết thực cho xã hội và môi trường. Khi mà những phá triển về kinh tế và công nghiệp trở nên ổn định, thì việc nghiên cứu và sáng tạo những phát minh về bảo vệ môi trường càng trở nên quan trọng để giúp xã hội bền vững.

Envitech Corp tổng hợp.