Ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới.
Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại, nhưng đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với sản xuất do quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực chế biến còn hạn chế.
Nông sản Việt thường vẫn phải chứng kiến cảnh được mùa, mất giá. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến các cửa khẩu qua đường bộ, đường hàng không đóng cửa, những sản phẩm nông sản tươi, có hệ thống bảo quản kém, ít qua chế biến đã vấp phải tình trạng tiêu thụ rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp, sản phẩm có chế biến tốt thêm lần nữa khẳng định việc đầu tư công nghệ chế biến là hướng đi không chỉ giúp ngành nông sản phục hồi sau đại dịch mà sớm đạt mục tiêu top 10 thế giới về chế biến nông sản.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sản phẩm chế biến là một trong những chủng loại hàng rau quả không chịu tác động từ đại dịch COVID-19, trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong quý 1/2020, với mức tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu chủng loại này chỉ chiếm khoảng 19% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, một tỷ trọng thấp nên mức tăng trưởng mạnh không bù đắp được sự sụt giảm của ngành hàng rau quả.
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường thì sản phẩm chế biến sẽ vẫn chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Đẩy mạnh sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu nông sản khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu.
Ngay tại thị trường trong nước, việc tập trung vào chế biến, những hình thức mới, sáng tạo mới cho ra những sản phẩm mới đã giúp các sản phẩm nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn.
Khi bị dịch COVID-19, các cửa khẩu đường bộ hay hàng không gần như đều đóng cửa, trong khi đó cửa khẩu bằng đường biển thì luôn mở. Như vậy, sản phẩm chế biến sẽ có thế mạnh. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng khi xuất khẩu sản phẩm chế biến luôn cao hơn so với xuất khẩu quả tươi và rủi ro lại thấp hơn.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần chính là sự bền vững bởi ngành nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu, mọi sự thay đổi của thị trường sẽ đều tác động trực tiếp vào doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch tái cơ cấu lại 13 sản phẩm, với quy định cụ thể, ngành nào, sản phẩm nào là chủ lực, gắn bó công nghiệp chế biến với công nghiệp phụ trợ. Nhà nước cũng đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên lĩnh vực chế biến.
Theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều chính sách cho đầu tư vào nông nghiệp nhưng đầu tư cho công nghệ là việc cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt. Đó chính là công nghệ hiện đại. Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong bối cảnh dịch, các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm lại có sự tăng trưởng mạnh, cho thấy nguy-cơ đi liền nhau.
Khi thị trường bị gián đoạn, điển hình khi Trung Quốc bị dịch COVID-19 đầu tiên, các sản phẩm như thanh long, dưa hấu bị tác động đầu tiên. Khi đó chúng ta không chỉ chuyển dịch thị trường mà còn chuyển cả cơ cấu về chế biến. Từ đó hình thành các vùng sản xuất gắn kết chặt hơn với các nhà máy chế biến hiện có.
Cùng với đó, nhiều sản phẩm chế biến sáng tạo kết hợp với các loại trái cây đã thể hiện rõ trí sáng tạo của người Việt Nam trong tạo ra sản phẩm mới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vừa qua cả nước đã hoàn thành rất nhiều nhà máy chế biến rau quả nói riêng và nông sản nói chung, nhưng thời gian tới cần tiếp tục đầu tư, điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung; phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, cần căn cứ vào khối lượng hàng hoá rau, quả để cân đối tỷ lệ tiêu dùng tươi sống với chế biến, thông qua đó nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong mọi tình huống, không để lặp đi lặp lại chuyện cứ được mùa lại mất giá và nông sản ế thừa.
Envitech Corp tổng hợp theo TTXVN/Vietnam+