Nhu cầu điện của nước ta tăng lên rất nhanh nhưng: Điện chạy bằng than đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân, không những thế khả năng sản xuất than trong nước chỉ có hạn, nên đã phải mua thêm than của nước ngoài và sẽ phải mua ngày càng nhiều hơn. Thủy điện không còn khả năng để phát triển thêm nhiều vì các thủy điện lớn và vừa đã xây dựng gần hết rồi. Điện chạy bằng khí đốt cũng chỉ phát triển đến một mức độ nào đó.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24), Germanwatch công bố bảng xếp hạng mới nhất của các quốc gia dựa trên chỉ số ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hay mức độ mất mát mà từng quốc gia phải chịu do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu.Trong bảng xếp hạng này Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu, đứng thứ 1 trong số các quốc gia ASEAN.
Vì vậy cần phải nhanh chóng phát triển điện chạy bằng năng lượng tái tạo và đây cũng đang là xu hướng chung trên thế giới để chống biến đổi khí hậu. Nhưng những loại điện này giá thành phát điện còn cao và mỗi loại điện đều có những nhược điểm của nó. Vì vậy ta cần đi sâu vào phân tích những nhược điểm đó và tìm cách để khắc phục.
1. Nhược điểm của các loại điện chạy bằng năng lượng tái tạo chính:
1.1. Điện gió: Điện không ổn định do gió khi mạnh khi yếu. Chỉ cần có một cơn giông là điện gió tăng vọt hẳn lên. Điện gió tăng tỷ lệ thuận với lập phương của tốc độ gió, thí dụ như tốc độ gió tăng gấp đôi thì điện gió tăng gấp 8 lần, tốc độ gió tăng gấp ba thì điện gió tăng gấp 27 lần,… Đặc biệt là khi ở vùng gần tâm bão tốc độ gió có thể lên đến hàng trăm km/giờ, khi ở trong tâm bão lặng gió, khi tâm bão vừa đi qua tốc độ gió lại tăng lên đến hàng trăm km/giờ, với tốc độ gió thay đổi nhanh chóng như vậy nếu không có biện pháp đặc biệt để ngăn chặn thì điện gió sẽ bị hư hỏng hoặc thay đổi rất khủng khiếp. Vì thế, Điện gió Bạc Liêu có hệ thống điều khiển tự gập cánh lại để tránh hư hỏng khi bão lớn.Nếu tỷ trọng điện gió khá lớn, khi có bão điện gió lớn tạm ngừng phát điện thì lấy đâu ra điện để bù vào? Điện gió lớn có thể làm thay đổi dòng không khí, ảnh hưởng đến các loài chim di trú. Nếu điện gió lớn đặt ở trên đất liền thì: Tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến các loài động vật hoặc con người sống gần nơi đặt các trạm năng lượng gió. Có thể ảnh hưởng đến các trạm thu phát sóng điện thoại, truyền hình,… Nếu điện gió lớn đặt ở xa ngoài biển thì: – Đòi hỏi công nghệ rất cao, ta chưa tự làm được, vốn đầu tư rất lớn. – Xa bờ, phải truyền điện vào bờ bằng cáp ngầm, mỗi lần muốn kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa,… phải đi ra bằng tàu thủy.
1.2. Điện mặt trời: Điện mặt trời không ổn định do ngày có đêm không, khi nắng có khi mưa không, chỉ cần 1 đám mây bay qua là điện đã giảm hẳn đi. Điện mặt trời gắn trên mái nhà tận dụng được mái nhà chưa có gì trên đó nhưng điện mặt trời tập trung chiếm rất nhiều đất, thí dụ như: Điện mặt trời TTC Krông Pa ở Gia Lai cho sản lượng 103 triệu KWh/năm chiếm diện tích 70,23 ha, điện mặt trời Hồng Phong 4 ở Bình Thuận cho sản lượng 92 triệu KWh/năm chiếm diện tích 57,6 ha, điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 ở Bình Thuận cho sản lượng 83 triệu KWh/năm chiếm diện tích 60 ha,…
1.3. Điện sóng biển theo cách các nước đã làm: Giá thành phát điện rất cao, không thể cạnh tranh được với các loại điện khác nên bây giờ người ta thường chỉ nói đến điện gió và điện mặt trời do: Nhiều công trình phải xây dựng từ dưới đáy biển lên, vốn đầu tư rất lớn. Nước biển có độ ăn mòn rất cao nhưng thiết bị điện sóng biển của nhiều nước nằm trong nước biển. Nhiều công trình phải truyền điện vào bờ bằng cáp ngầm dưới biển. Sử dụng những công nghệ rất hiện đại, phức tạp, khó sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu làm được tốt thì điện sóng biển có ưu điểm là: Các công trình thủy điện lớn và vừa của nước ta tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ và Tây Nguyên. Mùa khô thủy điện không có nước bổ sung, rất cần có nguồn điện khác hỗ trợ. Khi đó là mùa gió đông bắc, sóng ở biển Đông mạnh nhất là vào mùa này nên điện sóng biển có thể hỗ trợ cho thủy điện và giúp cho thủy điện để dành nước cho phát điện vào cuối mùa khô. Khi có bão thì điện gió phải ngừng hoạt động, điện mặt trời phát điện rất yếu nhưng khi đó sóng biển rất mạnh và điện sóng biển phát rất nhiều điện có thể bù cho 2 loại điện kia. Độ cao của sóng ít biến động đột xuất vì sóng do gió sinh ra và phải qua quá trình tích lũy năng lượng thì sóng mới lớn dần lên. Gió đông bắc từ eo biển Đài Loan, Philippin đến vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau phải đi qua biển dài trên 2.000 km nên một cơn giông lớn trên biển cũng chỉ ảnh hưởng một phần đến độ cao của sóng biển. Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới thì khi chúng còn ở xa cũng đã bắt đầu có ảnh hưởng đến độ cao sóng biển, sau đó sóng lớn dần lên nên cũng không có biến động đột xuất như điện gió và điện mặt trời.
Envitech Corp tổng hợp từ tinmoitruong.vn