Sau một thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống bio-toilet trên các đoàn tàu khách của ngành đường sắt Việt Nam đã có dấu hiệu bốc mùi hôi và gây mất vệ sinh trên các toa tàu.
Công ty Cổ phần Kỹ thuật Thiết bị Môi trường Envitech Corp tự hào là đối tác chiến lược của Công ty Chodai Co Ltd thực hiện việc chuyển giao công nghệ Bio toilet – Nhà vệ sinh sinh học công nghệ Nhật Bản cho các đối tác của Việt Nam.
Thiết bị Bio-toilet với ưu điểm không sử dụng nước, không xả thải ra môi trường đã được sử dụng rộng rãi tại các khu du lịch, khu vui chơi, công trường, bệnh viện, trường học, các hộ gia đình tại Nhật Bản và đã được vận dụng trên tuyến đường sắt Hokkaido. Tại Việt Nam, công nghệ Bio-toilet đã được công ty Chodai ứng dụng tại các địa điểm công cộng, trường học, bến cảng các hộ gia đình, nhà máy và trên một số phương tiện tàu thuyền du lịch tại tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và Hà Nội.
Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống bio-toilet trên các đoàn tàu của ngành đường sắt Việt Nam đã có dấu hiệu bốc mùi hôi và gây mất vệ sinh trên toa tàu. Nguyên nhân ban đầu được cho là đến từ việc sử dụng không đúng cách, cũng như chưa tuân thủ quy trình bảo dưỡng thiết bị.
Trước khi bàn tới văn hoá sử dụng tài sản công, chúng ta có thể nhìn qua ngành đường sắt Ấn Độ. Nổi tiếng là một quốc gia với ngành đường sắt lạc hậu và số lượng người sử dụng quá tải, Ấn Độ trong những năm gần đây đã có những sự đầu tư để cải thiện chất lượng của phương tiện giao thông quan trọng này. Một trong những khoản đầu tư đó là lắp đặt hệ thống Bio-Toilet. Những kỹ sư đường sắt Ấn Độ rất ủng hộ quyết định này. Theo họ, một đường ray có tuổi thọ trung bình từ 8-10 năm, với hệ thống xả thải thẳng ra ngoài như cũ, các axit có trong chất thải người sẽ tạo điều kiện để quá trình oxidization diễn ra và dẫn tới rỉ sét nhanh chóng hơn. Điều này kéo theo việc phải thay thế đường ray sớm hơn và chi phí vận hành cao hơn. Phân người cũng kéo theo sự xuất hiện của các loài chuột bọ và đặc biệt là rắn, điều này gây nguy hiểm cho những nhân viên ngành đường sắt phải sửa chữa hay kiểm tra tình trạng đường ray. Song hành với việc lắp đặt, ngành đường sắt Ấn Độ tăng cường nhắc nhở nâng cao ý thức người dân, cũng như kiểm tra và bảo dưỡng liên tục tránh dẫn tới hỏng hóc hệ thống và gây mất vệ sinh. Người dân Ấn Độ cũng có phản hồi tích cực sau một thời gian đưa Bio-Toilet vào sử dụng trên những toa tàu.
Quay lại với Việt Nam, dự án bio-toilet có tổng trị giá hơn 188 tỷ đồng, với 821 thiết bị vệ sinh do hãng Chodai (Nhật Bản) và các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp có đơn giá hơn 168 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm, gần 200 nhà vệ sinh phải đóng lại hoặc hạn chế sử dụng do thiết bị vệ sinh bốc mùi hôi thối, phản cảm.
Để Bio-toilet được hoạt động một cách hiệu quả và lâu dài, người sử dụng cần tuân thủ những quy định được ghi rõ trong nhà vệ sinh như không vứt rác thải (trừ giấy vệ sinh), không xả nước, đổ nước vào bể xử lý. Tuy nhiên, thực tế sử dụng trong thời gian qua cho thấy thói quen sử dụng nước khiến có nước trong thiết bị (ví dụ, mang nước vào rửa cho con nhỏ), gây ngập úng; lượng giá thể trong bể vi sinh không được bổ sung; dị vật lạ (dạng túi ni lông) làm chết các vi sinh vật xử lý. Đặc biệt, thiết bị không được theo dõi và vệ sinh cẩn thận khi bề mặt thiết bị cáu bẩn, rác và chất thải, nước tiểu vương vãi trên bề mặt thiết bị, dẫn đến việc nhà vệ sinh bốc mùi.
Do tâm lý “tiện mình”, nhiều hành khách đã vô tình biến một phát minh giúp đời sống con người văn minh hơn trở nên vô dụng. Việc quản lý lỏng lẻo, cũng như quan niệm “của chung không ai tiếc”, khiến khoản đầu tư trở thành lãng phí. Hi vọng trong tương lai ngành đường sắt sẽ tiếp tục thắt chặt việc bảo trì các hệ thống bio-toilet, cũng như nhắc nhở hành khách sử dụng đúng cách để phát minh bio-toilet thực sự phát huy tác dụng của nó.