Máy móc, thiết bị “Made in Việt Nam”: Sánh vai cùng hàng ngoại

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ, ngành cơ khí đã đạt được những thành quả đáng kể góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chất lượng tốt, giá cạnh tranh

Việt Nam có tiềm năng và ưu thế để phát triển ngành cơ khí chính xác. Theo Báo cáo của ngân hàng Natixis (Pháp) nhận định, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan và Philippines để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực thay thế Trung Quốc khi dòng đầu tư chuyển hướng ra khỏi đại lục. Theo đó, cơ hội việc làm sẽ mở rộng với lao động ngành cơ khí chế tạo máy, đặc biệt là những lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản.

Theo bản báo cáo, Việt Nam được đánh giá là vượt trội nhất bởi lương lao động thấp, môi trường kinh doanh và hạ tầng cơ sở tốt. Bản báo cáo chỉ ra rằng, chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn bên Trung Quốc và cơ sở hạ tầng được phát triển khá tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

 

 

Phá bỏ các rào cản

Dù các sản phẩm máy móc, thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã dần tạo được vị thế và chỗ đứng trên sân nhà nhưng hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, sản phẩm của họ còn có thể phát triển hơn nữa nếu những vướng mắc liên quan đến vốn, thị trường… được tháo gỡ.

Ngoại trừ một số doanh nghiệp dẫn đầu ngành, phần lớn công ty cơ khí chế tạo thiết bị cho thị trường nội địa ở cỡ vừa và nhỏ, nguồn vốn hạn chế nên trang thiết bị lạc hậu, năng lực kém. Vì vậy, các dự án lớn khi đấu thầu quốc tế thường rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Về thị trường xuất khẩu, do trở ngại về ngôn ngữ, thiếu thông tin về luật pháp quốc tế, chưa có điều kiện nghiên cứu thị trường… nên không ít DN của Việt Nam dù có sản phẩm chất lượng cũng không dám tiếp cận thị trường thế giới.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp cơ khí, khó khăn lớn nhất trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà họ gặp phải chính là việc nhiều chủ đầu tư vẫn còn tâm lý “sính ngoại” cao. Trước thực tế này, các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị Việt Nam đề nghị nhà nước cần có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thị trường thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học,… Ngoài ra, cơ quan quản lý cần đưa ra chế tài đảm bảo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp nội, đồng thời ưu tiên doanh nghiệp nội tại các dự án trong nước làm chủ đầu tư.
Năm 2018, Bộ Công Thương có kế hoạch hỗ trợ cho ngành cơ khí bằng cách tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ưu tiên chỉ định thầu trong nước đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia, tạo ra những đơn hàng lớn cho việc phát triển ngành.
EnvitechCorp tổng hợp