Xử lý rác thải điện tử sao cho đúng?

Tiêu huỷ pin và các thiết bị điện tử thế nào là đúng cách? có lẽ rất ít người trong chúng ta quan tâm tới vấn đề này. Tại Việt Nam, pin và các thiết bị điện tử không còn sử dụng thường được xả thẳng vảo thùng rác. Tuy nhiên, những việc làm tưởng chừng như vô hại lại đang vô tình góp phần tạo ra những hiểm hoạ môi trường.

 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay bình quân mỗi ngày, người dân Hà Nội thải ra hơn 5.400 tấn rác sinh hoạt và hơn 100 tấn rác thải nguy hại, trong đó có rác thải từ pin, ắc quy, cao su, nhựa… Nhưng các doanh nghiệp chỉ thu gom, phân loại và xử lý được khoảng 60-65 tấn/ngày, còn lại lẫn trong rác thải sinh hoạt ra môi trường.

Thông thường, các loại rác thải sẽ được thu gom và đem tới bãi rác lớn để đốt hoặc chôn lấp. Trong pin có chứa rất nhiều các thành phần hóa học khác nhau như chì, kẽm, lithium, thủy ngân và cadmium, nếu vô tình bị chôn lấp hoặc đốt cùng với các loại rác thông thường, có thể tạo ra khói độc và ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới những người xử lý rác thải cũng như sức khoẻ gia đình bạn.

Ảnh: Mai Nguyen Anh

Đối với các nước phát triển, chính phủ có quy định rất nghiêm ngặt về việc dán nhãn ghi rõ thành phần cấu tạo nên pin và ắc quy cũng như cách phân loại, bảo quản, thu gom và tái chế sau khi sử dụng. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất pin ở Việt Nam hiện chưa thực hiện tốt việc này. Đây cũng là một điểm còn khiếm khuyết trong công tác quản lý và sản xuất loại sản phẩm này.

Đối với các thiết bị điện tử hỏng hóc và không thể sửa chữa. Việc vứt chúng ra bãi rác cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm tương tự tới môi trường, đồng thời còn là sự lãng phí tài nguyên với những vật liệu công nghệ có thể tái sử dụng. Một trong những cách phổ biến mà người dân Việt Nam xử lý rác thải điện tử là bán chúng cho những người thu gom đồng nát. Việc làm này mặc dù tái chế những vật liệu còn có thể sử dụng những cũng không đảm bảo được quy trình xử lý chất thải an toàn.

Quá trình xử lý chất thải điện tử thường độc hại và đòi hỏi thiết bị hiện đại cũng như trình độ và chuyên môn nhất định của người lao động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quá trình này chủ yếu thủ công và phụ thuộc rất nhiều vào những công nhân vệ sinh môi trường hay người hành nghề đồng nát. Ảnh: Mai Nguyen Anh

Trong khi chờ các cơ quan chức năng có hành động cụ thể trong việc hướng dẫn phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy đã qua sử dụng, có lẽ chúng ta cần thực tự mình tìm lấy giải pháp tạm thời.

Nếu ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể trực tiếp chuyển pin và ắc quy đã qua sử dụng đến các địa điểm hoặc tổ chức có chương trình thu gom loại rác thải này.

 

 Địa chỉ thu gom chất thải điện tử miễn phí tại Hà Nội

Năm điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí và dài hạn trong chương trình Việt Nam Tái Chế tại hai quận trung tâm là Cầu Giấy và Ba Đình bao gồm:

  1. Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân – đối diện số 45 phố Nghĩa Tân – phường Nghĩa Tân – quận Cầu Giấy – Hà Nội;
  2. Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội – số 288, đường Trung Kính – phường Yên Hòa – quận Cầu Giấy – Hà Nội;
  3. UBND phường Quán Thánh – số 12-14, đường Phan Đình Phùng – phường Quán Thánh – quận Ba Đình – Hà Nội;
  4. UBND phường Thành Công – số 9, đường Thành Công – phường Thành Công – quận Ba Đình – Hà Nội;

Địa chỉ thu gom chất thải điện tử miễn phí tại TP. Hồ Chí Minh

  1. MM Mega Market (Metro cũ) An Phú – Khu B – Khu đô thị mới An Phú – Phường An Phú – Quận 2 – Tp. HCM;
  2. UBND Phường 15 – 132 Tôn Thất Thuyết – Phường 15 – Quận 4 – Tp. HCM;
  3. UBND Phường 17 – 22 Nguyễn Văn Trỗi – Phường 17 – Quận Phú Nhuận – Tp. HCM;
  4. UBND Phường 2 – 14 Phan Bội Châu – Phường 2 – Quận Bình Thạnh – Tp.HCM;
  5. UBND Phường 9 – 82a Bà Huyện Thanh Quan – Phường 9 – Quận 3 – Tp.HCM.

 

Rác thải điện tử được thu gom tại các điểm này sẽ được phân loại theo từng dòng thiết bị, được tháo dỡ và được xử lý theo quy trình công nghệ kỹ thuật cao, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hoá lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.

 

Mai Nguyen Anh